ĐỨC GIÊSU và CÁC PHỤ NỮ

 Đức Giê-su thường phá bỏ các rào cản quy ước. Ngài minh nhiên đi tới với những người tội lỗi và người nghèo khó. Và Ngài có một liên hệ đặc biệt với các phụ nữ. Chuyên viên Kinh Thánh người Do-thái, ông Schalom Ben-Chorin, cho rằng  Đức Giê-su „không phải là người chay tịnh, nhưng Ngài là người ham vui sống“. Phụ nữ luôn nhìn Ngài với một ánh mắt lạ lùng. Có thể nghĩ được rằng Ngài cũng là một người có quan hệ tình dục với phụ nữ?

Không có chuyện tình dục trong quan hệ bạn bè của Ngài. Con người  Đức Giê-su thuộc vào một cấp độ khác. Nhưng, như chúng ta thấy qua các trình thuật Tin Mừng về những liên hệ của Ngài, Ngài vẫn có khả năng làm bạn và yêu thật sự. Đúng, chính các bà là những người bén nhạy đã cảm ra được cái mới, cái khác, cái lớn lao, cái bí ẩn trong con người Ngài, và Ngài đặc biệt đã kéo các bà vào trong cộng đoàn của mình. Trái với thói quen đương thời nơi người Do-thái, coi phụ nữ là hạng thấp kém,  Đức Giê-su có thể nói đã tạo nên một cái gì như là giải phóng phụ nữ. Do địa vị xã hội, phụ nữ một cách nào đó thuộc vào loại những người bé nhỏ, mà Chúa muốn hướng về họ và yêu thương họ một cách đặc biệt. Làm như thế là Ngài cũng đã khơi dậy đoàn sủng của phụ nữ. Trong quan hệ với Ngài, ta thấy đặc biệt có hai người ở Bê-ta-ni-a. Hai khuôn mặt này cho ta thấy vai trò quan trọng và sống động của nữ giới trong việc xây dựng Giáo Hội.

Đó là hai chị đã trung thành theo Ngài mãi tới chân thập giá. Trong khi đó thì các ông đã chạy hết.  Đức Giê-su đã trừ bảy tà thần ra khỏi Maria Ma-đa-lê-na. Không phải Phê-rô hay Gio-an, mà chính chị là người đầu tiên được thông báo biến cố phục sinh của Ngài. Đây quả là một chuyện lạ, nếu như người ta biết rằng các chứng cứ của phụ nữ ở đông phương chẳng có giá trị gì. Vì thế, thánh An-tịnh đã gọi Maria Ma-đa-lê-na là tông đồ của các tông đồ.

Và danh-hiệu đó, thật vậy, vẫn giữ nguyên. Cho tới năm 1962 lời nguyện tông đồ vẫn được đọc trong ngày lễ kính của ngài, vì ngài là một „nữ tông đồ“. Việc Maria Ma-đa-lê-na là người đầu tiên mang tin vui phục sinh cho các tông đồ, một lần nữa, nói lên thịnh tình và mối liên hệ đặc biệt của Ngài đối với chị. Điều này ta cũng thấy được qua lời đối thoại của Ngài với chị, trong đó Ngài gọi chị là „Mariam“, chỉ vì chị đã không nhận ra Ngài. Lúc đó chị liền nhận ra và lại phủ phục dưới chân Ngài: „Rabbuni, thưa Thầy“. Trong lối xưng hô đó, ta thấy vừa có kính trọng, vừa giữ khoảng cách trước vẻ lớn lao của Ngài, mà cũng vừa nói lên yêu thương tha thiết đối với một người là Chúa và với một Chúa đã hoàn toàn trở nên người.

Tôi sẽ trở lại với địa vị phụ nữ trong Giáo Hội sau. Ở đây xin hỏi nhanh một câu: Có chuyện kể nào về  Đức Giê-su hay một câu chuyện nào trong Kinh Thánh có thể trong tương lai sẽ phải bị loại bỏ, vì những khám phá mới, chẳng hạn như trong các nghiên cứu về nguồn tài liệu Qumran, cho thấy chúng hết đáng tin không?

Tôi không thấy khám phá nào cả. Có thể có những tiểu tiết làm mình phải hiểu kinh sách khác đi đôi chút. Nhưng những điều ghi chép trong Tin Mừng đều được viết ngay trong thời đó, nên không thể bị đảo lộn bởi các khám phá mới ngày nay được. Lời chứng Tin Mừng về  Đức Giê-su sẽ không đổi và vẫn giữ nguyên giá trị của nó.